Lợi

Tác dụng gây hưng phấn của cà phê, trà là do chứa các hợp chất mà thành phần cơ bản là caffein, với hàm lượng khoảng 0,7 - 2% ở cà phê, ít hơn so với ở trà (chè) chứa khoảng 2 - 3% caffein. Tuy nhiên, một ly cà phê có tác dụng kích thích mạnh hơn vì sử dụng đến 10 - 15g bột cà phê chứa khoảng 100mg caffein, còn nguyên một ấm trà có ít caffein hơn, cả ấm chỉ chứa khoảng vài chục mg caffein. Ngoài trà đậm, cà phê là thức uống thông dụng, cần lưu ý có nhiều loại nước giải khát khác là nước ngọt có gaz, hay nước tăng lực đều có chứa caffein.

Tác dụng có lợi của caffein

Caffein là chất có tác dụng dược lý là kích thích hệ thần kinh trung ương, làm cho tỉnh táo, kích thích khả năng làm việc, đặc biệt làm việc bằng trí óc, tăng cường hoạt động cơ và sự phối hợp hoạt động chân tay.

Ai quen uống cà phê cũng thấy phấn chấn khi có một ly cà phê đậm uống vào buổi sáng. Cũng như để đối phó với cơn buồn ngủ khi cần làm việc đêm, một ly cà phê đen đậm đối với nhiều người được xem là một biện pháp hiệu quả.

Sống cùng trà đậm, cà phêNhững người bị rối loạn tim mạch nên cẩn thận, nếu thấy bị ảnh hưởng xấu thì không nên uống cà phê hay trà đậm.

Còn trà đậm, có giả thuyết cho rằng những người đầu tiên biết sử dụng lá chè tàu (Camelia sinensis) nấu nước trà để uống là các vị thiền sư. Họ nhận thấy nấu trà mà uống thì trong người tỉnh táo và ngồi thiền không buồn ngủ. Thiền và trà đã có duyên với nhau trong lịch sử gần cả hai ngàn năm. Tại nhiều thiền viện, thiền sinh được uống trà và “thiền trà” được gọi cho việc thiền tập trong khi uống trà. Ở thiền viện Làng Mai, có bài kệ uống trà: Chén trà trong hai tay/ Chánh niệm nâng tròn đầy/ Thân và tâm an trú/ Bây giờ và ở đây.

Trong ngành dược phẩm, caffein là thành phần của nhiều thuốc trị cảm, đau nhức, giúp tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol hay aspirin hoặc làm giảm tác dụng gây buồn ngủ của thuốc kháng histamin trị dị ứng. Trước đây có thuốc trị cảm cúm nổi tiếng là APC (viết tắt của aspirin, phenacetin và caffein, nay thuốc APC không còn dùng nữa vì phenacetin rất có hại và được thay bằng paracetamol).

Những tác dụng phụ

Uống trà đậm, cà phê hay những thức uống giải khát có chứa caffein có thể gây những bất lợi. Caffein có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả trên tim mạch. Vì vậy, ở một số người, uống cà phê đậm sẽ làm tim đập nhanh hơn, nhức đầu, run tay, cảm thấy bất an.

Caffein là thành phần của nhiều thuốc trị cảm, đau nhức

Những người bị rối loạn tim mạch nên cẩn thận, nếu thấy bị ảnh hưởng xấu thì không nên uống cà phê hay trà đậm.

Caffein có tác dụng lợi tiểu, nếu uống trà đậm, cà phê ban đêm, ngoài tác dụng khó ngủ do bị kích thích lại phải thức giấc đi tiểu đêm do tác dụng lợi tiểu của caffein. Do tác dụng kích thích làm cho tỉnh táo của caffein ta nên uống trà đậm, cà phê vào ban ngày, đặc biệt uống vào buổi sáng là tốt nhất. Do chứa caffein là chất được xem là thuốc cho nên uống trà đậm, cà phê với liều lượng vừa phải là tốt nhất. Mỗi ngày uống 1 tách cà phê (khoảng 200ml) là tốt, hoặc nhiều hơn chỉ đến mức 2 - 3 tách cà phê chia đều sáng chiều.

Caffein có tác dụng kích thích làm tăng tiết axít dịch vị. Vì vậy tránh uống trà đậm, cà phê vào lúc bụng trống để bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhất là những người đã sẵn yếu dạ dày. Nên lưu ý, chỉ uống cà phê vào buổi sáng mà không ăn điểm tâm để cho bụng trống cũng có thể hại cho sức khỏe của một số người.

Caffein có thể gây tương tác với một số dược phẩm như làm mất tác dụng của thuốc an thần gây ngủ. Hoặc là một số kháng sinh fluoroquinolon (như ofloxacin) uống chung với cà phê sẽ làm tăng tác dụng kích thích quá đáng của caffein (gây tim đập nhanh, khó chịu, mệt mà có người lầm tưởng là gây ngộ độc). Vì vậy, nên tránh uống trà đậm, cà phê, nước giải khát có chứa caffein chung với thuốc.

Do không tổ chức việc học tập, nghỉ ngơi hợp lý nên có một số bạn trẻ gần tới ngày thi mới học dồn, học nén và nhờ đến cà phê thật đậm và trà thật đậm hầu có lượng caffein để có sự tỉnh táo thức đêm “gạo” bài. Nên lưu ý, mệt mỏi buồn ngủ là dấu hiệu cần thiết cho biết cơ thể cần nghỉ ngơi, ngủ đủ. Dùng trà đậm, cà phê nhằm có caffein để tỉnh táo với cặp mắt mở trao tráo chỉ là sự đánh lừa, thực chất cơ thể vẫn mệt mỏi. Dùng trà đậm, cà phê để thức đêm dài ngày là rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt hại cho trí não là nơi cần có sự phục hồi năng lực nhờ ngủ đủ. Cho nên, các bạn trẻ không nên lạm dụng trà đậm, cà phê cho việc thức đêm học thi trong thời gian dài.

Coi chừng cà phê ngoài đường phố

Cà phê hấp dẫn đối với người uống không chỉ có tác dụng của caffein mà còn do có mùi vị đặc biệt. Không ít người bán cà phê ngoài đường phố đã thêm các chất, hương liệu trong quá trình chế biến cà phê (cà phê thật thì ít mà bột bắp rang trộn vào thì nhiều) để tạo nên vị đắng, nổi bọt nhiều, có mùi vị đặc biệt để hấp dẫn người uống. Những thứ ấy có thể gây hại chứ người uống cà phê không bị hại bởi tác dụng phụ của caffein.

Có quán bán cà phê đã trộn hóa chất sodium lauryl sulfate vào cà phê để giúp tạo bọt rất nhiều. Khổ nổi, đây là hóa chất có dùng trong ngành dược làm tá dược nhũ hóa (giúp ổn định các thuốc có dạng bào chế gọi là nhũ dịch tức dầu pha trộn trong nước)) nhưng hiếm dùng và phải dùng thật đúng liều. Sodium lauryl sulfate là chất độc nếu dùng quá liều (được xác định tử liều LD50 - liều làm chết 50% số chuột thí nghiệm là 1g/kg chuột). Nếu dùng chất độc hại này cho vào cà phê thì thật nguy hiểm, vì người ta có thể dùng hóa chất công nghiệp lẫn vô số tạp chất độc và liều dùng thì bất kể.

Người uống cà phê thấy vị rất đắng thì mới ngon. Có quán cà phê đã dùng thuốc ký ninh (quinine) trộn vào cà phê để làm cà phê rất đắng. Quinine là thuốc trị sốt rét, có khoảng trị liệu rất hẹp, liều trị liệu và liều độc rất gần nhau, quá liều một chút là gây tử vong. Thế mà kẻ gian lại dùng quinine pha vào cà phê để tăng vị đắng hấp dẫn!

Chúng ta cần lưu ý những điều trên để cảnh giác với việc uống cà phê ngoài đường phố. Tốt nhất là pha chế cà phê tại nhà để uống hoặc uống cà phê tại các quán quen biết, có uy tín.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sức khỏe trước khi du lịch

Tiêu thụ rượu bia hàng top ở châu Á, người Nhật phòng chống các bệnh gan thận như thế nào?

FDA công nhận loại insulin tác dụng ngắn trị đái tháo đường